Kinh tế Sarawak

Tỷ lệ GDP của Sarawak theo lĩnh vực (2015)[222]

  Dịch vụ (38.9%)
  Chế tạo (27.4%)
  Khai mỏ & Khai thác đá (19.5%)
  Nông nghiệp (9.9%)
  Xây dựng (5.8%)
  Thuế nhập khẩu (1.3%)
Một cảng khí hóa lỏng tại Bintulu, Sarawak

Sarawak có tài nguyên thiên nhiên phong phú, các lĩnh vực kinh tế chủ yếu là khai mỏ, nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm 32,8% kinh tế của bang vào năm 2013.[222] Đóng góp chủ yếu cho ngành chế tạo là thực phẩm và đồ uống, sản phẩm từ gỗ và mây, sản phẩm kim loại thô, và sản phẩm hóa dầu.[1] Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ bao gồm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giao thông hàng không, và du lịch.[222] Từ năm 2000 đến năm 2009, Sarawak có mức tăng trưởng GDP bình quân năm là 5%.[223] Tăng trưởng GDP hàng năm biến động mạnh từ năm 2006 đến năm 2013, dao động từ −2,0% (2009) đến 7,0% (2010) với độ lệch chuẩn là 3,3%. Sarawak đóng góp 10,1% vào GDP của Malaysia trong chín năm tính đến năm 2013, trở thành bang đóng góp lớn thứ ba toàn quốc sau Selangor (22,2%) và Kuala Lumpur (13,9%) [222] GDP của Sarawak tăng trưởng từ 527 triệu ringgit (171,3 triệu USD) vào năm 1963 lên 58 tỷ ringgit (17,4 tỷ USD) vào năm 2013,[224] tăng 110 lần. Đồng thời kỳ, GDP/người tăng từ 688 ringgit (223,6 USD) lên 46.000 ringgit (13.800 USD), tăng 60 lần.[225] Sarawak có GDP/người cao thứ ba tại Malaysia (2015); sau Kuala Lumpur và Labuan.[226] Chính phủ bang Sarawak có thể duy trì thặng dư ngân sách trong bảy năm cho đến năm 2013, nhờ ngành công nghiệp dầu khí vốn đóng góp 34,8% thuế của bang. Sarawak cũng thu hút 9,6 tỷ ringgit (2,88 tỷ USD) đầu tư nước ngoài, trong đó 90% là vào Hành lang Năng lượng Tái tạo Sarawak (SCORE). SCORE là hành lang kinh tế lớn thứ nhì tại Malaysia.[222]

Kinh tế Sarawak có định hướng xuất khẩu mạnh mẽ, do đó nhạy cảm với giá hàng hóa toàn cầu. Tổng lượng xuất khẩu có giá trị cao hơn GDP vào năm 2013 trong khi tổng giá trị mậu dịch vượt 130%. Xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu của bang trong khi xuất khẩu dầu thô chiếm 20,8%. Trong khi đó, dầu cọ, gỗ xẻ chiếm 9,0% tổng lượng xuất khẩu.[222] Sarawak hiện nhận được 5% tiền khai thác dầu thô (tỷ lệ sản lượng dầu do công ty khai mỏ trả cho chủ cho thuê mỏ) từ Petronas đối với dầu thăm dò tại lãnh hải Sarawak.[227] Phần lớn các mỏ dầu khí nằm ngoài khơi gần Bintulu và Miri tại bồn Balingian, bồn Baram, và quanh cụm bãi cạn Luconia.[228] Sarawak là một trong các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về sản phẩm gỗ cứng nhiệt đới, chiếm 65% tổng lượng xuất khẩu gỗ của Malaysia vào năm 2000. Thống kê của Liên Hiệp Quốc vào năm 2001 ước tính xuất khẩu gỗ để xẻ của Sarawak trung bình là 14.109.000 mét khối (498.300.000 cu ft) mỗi năm từ 1996 đến 2000.[229] Ngân hàng OCBC là ngân hàng ngoại quốc đầu tiên mở các chi nhánh tại Sarawak vào năm 1955. Ngoài các ngân hàng nội địa, có 18 ngân hàng châu Âu, 10 ngân hàng Trung Đông, 11 ngân hàng châu Á, và 5 ngân hàng Bắc Mỹ có chi nhánh địa phương tại Sarawak.[230] Có một số công ty đặt trụ sở tại Sarawak tham gia nhiều lĩnh vực kinh tế như Cahya Mata Sarawak Berhad (CMSB), Naim Holdings, Rimbunan Hijau, Ta Ann Holdings, Shin Yang, Samling, WTK (Wong Tuong Kwang) Holdings và KTS (启德行) Group.[231]

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Sarawak tương quan cao độ với CPI của Malaysia, với lạm phát trung bình là từ 2,5-3,0% từ năm 2009 đến năm 2013 với một mức cao vào năm 2008 (10,0%) và mức thấp vào năm 2009 (−4,0%).[222] Bất bình đẳng thu nhập tại Sarawak không thể hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào từ năm 1980 đến năm 2009, khi hệ số Gini dao động từ 0,4 đến 0,5.[232][233] Sarawak giảm tỷ lệ nghèo từ 56,5% (1975) xuống dưới 1% (2015).[234] Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 4,6% (2010)[235] xuống 3,1% (2014).[234]

Các tua binh bên trong nhà máy điện Đập Bakun. Đập là nguồn điện năng chủ yếu tại Sarawak.

Sarawak Energy Berhad (SEB) chịu trách nhiệm về phát điện, truyền tải điện và phân phối điện trên toàn Sarawak.[236] Có ba đập hoạt động tại Sarawak tính đến năm 2015[cập nhật]: Đập Batang Ai,[237] Đập Bakun,[238] và Đập Murum[239] cùng một số dự án khác đang được nghiên cứu và lập kế hoạch khả thi.[237] Sarawak cũng sản xuất điện năng từ các nhà máy điện than và khí hóa lỏng (LNG).[236][240] Tổng công suất phát điện của bang được dự tính đạt 7.000 MW vào năm 2025.[241] Ngoài cấp điện nội bộ, Sarawak Energy còn xuất khẩu điện năng sang tỉnh Tây Kalimantan của Indonesia.[242] Các nguồn nguyên liệu thay thế như sinh khối, thủy triều, mặt trời, gió và đập Micro hydro cũng đang được khảo sát tiềm năng để phát điện.[243]

Hành lang Năng lượng Tái tạo Sarawak (SCORE) được thành lập vào năm 2008 và được lên kế hoạch tiếp tục phát triển đến năm 2030 nhằm khai thác các tài nguyên năng lượng phong phú trong bang (Đập Murum, Đập Baram, Đập Baleh, và các nhà máy nhiệt điện than)[244] và nhằm phán triển 10 ngành công nghiệp ưu tiên cao độ[245] như nhôm, kính, sắt, dầu thô, ngư nghiệp, chăn nuôi, gỗ, và du lịch.[246] Toàn bộ khu vực miền trung Sarawak nằm trong SCORE và gồm có các khu vực chủ yếu như Samalaju (gần Bintulu), Tanjung Manis, và Mukah.[247] Năm 2008, các kế hoạch để phát triển Samalaju thành một khu công nghiệp,[248] với Tanjung Manis là một đầu mối thực phẩm halal,[249] và Mukah là trung tâm hành chính của SCORE với tập trung vào nghiên cứu và phát triển dựa trên tài nguyên.[250]

Du lịch giữ một vị thế lớn trong kinh tế của bang khi đóng góp 9,3% GDP vào năm 2015.[251] Cục Du lịch Sarawak chịu trách nhiệm về xúc tiến du lịch trong bang theo nhãn quan của Bộ Du lịch Sarawak. Trong khi đó, lĩnh vực du lịch tư nhân liên kết dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Du lịch Sarawak. Cục Hội nghị Sarawak chịu trách nhiệm về thu hút các hội nghị và sự kiện đoàn thể tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Borneo Kuching.[252] Hầu hết du khách ngoại quốc đến Sarawak là từ Brunei, Indonesia, Philippines, Singapore, và Trung Quốc.[253] Giải thưởng Du lịch Chim mỏ sừng Sarawak được tổ chức mỗi hai năm để công nhận những điều tốt nhất trong lĩnh vực du lịch của bang.[254] Lễ hội âm nhạc thế giới Rừng mưa (RWMF) là sự kiện "âm nhạc thế giới" đứng đầu khu vực, thu hút trên 20.000 người mỗi năm.[255] Các sự kiện khác được tổ chức định kỳ tại Sarawak là Liên hoan Điện ảnh Quốc tế ASEAN, Lễ hội Âm nhạc Châu Á, Lễ hội Jazz Borneo, Lễ hội Văn hóa Borneo, và Lễ hội Diều Quốc tế Borneo.[252] Các tổ hợp mua sắm lớn tại Sarawak gồm The Spring, Boulevard, Hock Lee Centre, City One tại Kuching,[256] và Bintang Megamall, Boulevard, Imperial Mall, và Miri Plaza tại Miri.[257] Thủ phủ Kuching từng được đề cập là một trong các địa điểm hưu trí tại Malaysia.[258][259][260]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sarawak http://asiapacific.anu.edu.au/newmandala/2013/07/2... http://artsonline.monash.edu.au/mai/files/2012/07/... http://www.navy.gov.au/hmas-kapunda http://www.abc.net.au/science/slab/niahcave/histor... http://www.bt.com.bn/golden_legacy/2008/12/28/sult... http://www.bt.com.bn/home_news/2009/03/17/brunei_d... http://www.bt.com.bn/home_news/2009/03/18/limbang_... http://www.bt.com.bn/life/2007/12/16/penan_slowly_... http://archaeology.about.com/od/nterms/qt/niah_cav... http://aliran.com/aliran-monthly/2013/201310/lesso...